Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Nam Phi vẫn ghi bàn - Bên lề - Worldcup 2010

15 năm trước, Nelson Mandela khi ấy đang là Tổng thống Nam Phi, đã nâng cao chiếc cúp vô địch trao cho đội trưởng đội tuyển Rugby Nam Phi trên sân Ellis Park (chỉ cách Soccer City chừng 10km) sau trận chung kết vô địch thế giới. Đội trưởng đội tuyển Rugby Nam Phi là một người da trắng và hầu hết các tuyển thủ còn lại không phải là người da màu.

Hình ảnh ấy lập tức trở thành biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc, của công cuộc chống phân biệt chủng tộc. Người Nam Phi bất kể màu da, dù trắng hay đen, dù gốc Ấn hay Mã, đều nhớ lại với vẻ rất đỗi tự hào.


Rugby ở Nam Phi gần như môn thể thao của người da trắng, thậm chí là vũ khí tinh thần của cả chế độ Apartheid tồn tại gần 300 năm. Còn bóng đá ở đất nước này là của người da đen; từ những bãi đất trống hay những con phố là sân bóng cho tới đội tuyển Bafana Bafana gồm hơn 2 chục tuyển thủ đều không có ai là người da trắng.


Giờ đây đã có nhiều trẻ em và thanh niên da trắng xỏ giày đinh đá bóng mỗi ngày cuối tuần trên khắp các vùng đất Nam Phi chúng tôi đã đi qua. Nhưng quãng thời gian 1,5 thập kỷ vẫn chưa đủ để tạo ra sự cân bằng về số lượng các tài năng của môn Rugby cũng như bóng đá để mỗi đội tuyển của môn thể thao này đều có sự pha trộn không gượng ép về màu da.







Nam Phi vẫn ghi bàn - Tin180.com (Ảnh 1)
Ông Nelson Mandela
Người Nam Phi không băn khoăn nhiều về điều đó. Họ chờ đợi thời gian sẽ giải quyết tất cả. Họ không đòi hỏi chỉ sau hơn chục năm thay đổi đã lập tức mang lại những kết quả mỹ mãn ở phương diện thể thao-tinh thần.


Khi tôi viết những dòng này, gia đình Nelson Mandela vẫn đang bày tỏ sự bực dọc trước yêu cầu của FIFA. Chính cháu nội của ông, Mandla Mendela đại diện cho gia đình, đã lên truyền hình nói toạc ra đó là sức ép của FIFA, muốn vị lãnh tụ của người da màu, biểu tượng của chống phân biệt chủng tộc, hiện diện ở lễ bế mạc và trận chung kết World Cup. Nỗi đau từ người cháu gái của Nelson Mandela thiệt mạng 1 ngày trước lễ khai mạc World Cup giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Và ông năm nay cũng đã 91 tuổi. Gia đình ông không hứng thú với đề nghị này.


Cảm nhận của riêng người viết là người Nam Phi dù rất muốn thấy ông trên khán đài. Nhưng họ sẵn sàng chấp nhận sự vắng mặt của ông với một sự thấu hiểu và chia sẻ. Tất cả đều biết, với một người yêu bóng đá, và từng chơi bóng đá trong quãng thời gian ông bị giam cầm ở hòn đảo-nhà tù Robben, cách bãi biển Cape Town 11km, thì cơ hội được hiện ở một trận chung kết tổ chức ngay trên quê hương mình có lẽ sẽ không bao giờ xảy đến với ông nữa. Và trên hết, Nelson Mandela là người yêu Nam Phi vô bờ.


Nhưng dù Nelson Mandela có mặt ở sân Soccer City để chiều lòng FIFA hay không, ông cũng sẽ không xuống sân trao cúp Vàng cho đội vô địch như 15 năm trước ở giải Vô địch Rugby thế giới.


Sự nhũn nhặn nào cũng có giới hạn. Những gì Nam Phi đã làm trong suốt hơn 1 tháng qua (từ khi bóng chưa lăn) trước sự chứng thực của gần nửa triệu CĐV trên toàn thế giới, của 31 đội bóng đại diện cho các châu lục, của hàng ngàn nhà báo, đã cho thấy đất nước này không phải chịu ơn FIFA vì bất cứ điều gì. Sự nghi ngờ của riêng chúng tôi về khả năng tổ chức của Nam Phi trong những ngày đầu giờ đã không còn nữa. FIFA đã đòi hỏi và yêu sách quá nhiều về những ưu đãi, những luật định, các hàng rào thuế quan. Giờ là giọt nước tràn ly.


Nam Phi sau chế độ Apartheid, là đất nước tự do, và việc bày tỏ sự phản đối của Mandla Mendela với FIFA chỉ là một biểu hiện rất nhỏ của sự tự do ấy. Đó cũng là một bàn thắng của Nam Phi. Tác giả của bàn thắng ấy chính là dân tộc vốn đã phải chịu nhiều biến cố này.


Phạm Tấn
(theo thethaovanhoa)


(Source: Tin180 - Nam Phi vẫn ghi bàn - Bên lề - Worldcup 2010 )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét