Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Được mất từ FDI - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog

Hơn 20 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế nước ta tươi tắn hơn. Dễ thấy các nhà máy, cao ốc, khách sạn, trung tâm thương mại với hàng chữ Tây dát bạc, thếp vàng thi nhau mọc lên thay cho nếp nhà cũ kỹ, rêu phong.

img


Sản phẩm của FDI với nhiều mẫu mã và chất lượng cao, phần đưa về chính quốc để hoàn chỉnh, phần xuất khẩu, phần bổ sung vào quỹ hàng hoá xã hội của ta để bớt phần nhập khẩu trực tiếp. Với sự đóng góp khoảng 16-18% GDP trong những năm gần đây, FDI đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nước ta theo đường hướng mới, được kỳ vọng là động lực quan trọng cho công cuộc đổi mới.


Đây cũng là một trụ cột không thể thiếu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, góp phần làm thay đổi phương thức sản xuất, phân phối, tiêu dùng và lối sống của người Việt Nam theo hướng tiếp cận với văn minh, hiện đại. Những người Việt làm nhân viên kỹ thuật và quản lý cho FDI được tiếp cận với công nghệ cao, phương thức điều hành tân tiến. Đối với một số người đó là bến đỗ mới sau bao năm cống hiến mà chẳng thể sống bằng lương.


Song vì đây là sự tiếp máu vào cơ thể có nền tảng thể lực là nền lạc hậu, kiệt quệ vì liên miên chiến tranh, cộng với sự yếu kém về quản lý, nên đến nay mới vỡ ra nhiều vấn đề bâng khuâng.


Hứa nhiều làm ít


Các nhà FDI khi mới vào thường hứa hẹn với các dự án hấp dẫn song có tường tận mới thấy giật mình. Những công bố về thu hút FDI chỉ là số đăng ký, còn thực hiện thế nào xin đợi đấy. Từ 1988 đến 2009, tổng số vốn FDI thực hiện được 66,9 tỷ USD, bằng 34,7% tổng số vốn đăng ký. Năm 2008 mức vốn đăng ký kỷ lục là 71,7 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007, cao nhất từ trước đến nay, nhưng chỉ thực hiện được 11,5 tỷ USD bằng 16% số vốn đăng ký. Gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ta lại kỳ vọng có làn sóng mới thu hút FDI. Ba năm qua, quy mô dự án tăng, nhưng tỷ lệ vốn điều lệ so với số vốn đăng ký lại giảm, giai đoạn 1988 - 2005 là 45%, gần đây chỉ còn 30%.


Ăn sổi


FDI vào công nghiệp và xây dựng đứng đầu. Kế theo là dịch vụ và sau chót là nông nghiệp. Đầu tư vào công nghiệp, các nhà FDI lại ngại công nghệ phụ trợ. Họ “bao sân” nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy móc nhập vào lắp ráp, hoàn thiện, buộc chặt ta vào guồng máy kinh tế của họ, “ẵm gọn” chuỗi lợi nhuận tạo ra từ quá trình đó.


Nở rộ khách sạn nhiều sao, nhà hàng sang trọng, khu nghỉ dưỡng cao cấp (resort), sân golf nhiều lỗ. Có khu nghỉ dưỡng chiếm luôn một khúc bãi biển.


Thất vọng chuyển giao công nghệ


Mặt bằng công nghệ của các FDI khi mang vào cao hơn mặt bằng của ta, song ngần ấy chưa đủ để vực nền công nghiệp nhằm làm rường cột cho mộng ước “đi tắt, đón đầu”. Một số nhà đầu tư đã đưa vào máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu, thải loại.


Gia công dệt may, da giày, phần mềm; lắp ráp điện tử không thể là tiêu chí của quốc gia “cơ bản là nước công nghiệp”.


Bấp bênh xuất khẩu


FDI (không kể phần dầu thô) đóng góp trên dưới 20% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu loại trừ phần nguyên liệu ngoại nhập rất cao trong cấu thành trị giá hàng dệt may, da giày, điện tử, phần mềm..., kim ngạch thực thụ của nó sẽ rất thấp, kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta vốn đã đì đẹt còn lùn hơn. Họ lo cả đầu ra, nên xuất khẩu nước ta đã, đang và sẽ phụ thuộc vào bên ngoài. Được vài mặt hàng mới trong màn chào hỏi, từ đó đến nay danh mục mặt hàng xuất khẩu của khối FDI vẫn y nguyên.


Nền xuất khẩu của Việt Nam - dù đã được tiếp sức của FDI, so sánh với chính mình thấy rạng rỡ, nhưng chỉ cần liếc sang các nước trong khu vực thì thấy vẫn dẫm chân tại chỗ, với những đặc trưng: Gia công - manh mún - hàng thô; trung gian - giá cả - mấp mô thị trường.


Khấp khểnh vùng miền


Là những nhà kinh doanh lọc lõi, họ mang vốn liếng sang không phải làm từ thiện mà để kiếm lời càng sớm, càng nhiều càng tốt. Họ chỉ chọn những thành phố, những địa phương giáp biển, có cảng hàng không, có trục giao thông huyết mạch, miền xuôi, vùng có mặt bằng lý tưởng..., đỡ phải đầu tư ban đầu.


Chỉ có 21/63 địa phương có vốn đăng ký của FDI từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó 6 địa bàn: TP HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận đã chiếm 67% tổng số vốn đăng ký FDI trong cả nước. Các tỉnh mạn ngược đất rộng, người thưa, địa chất công trình tốt, nhưng ngổn ngang khó khăn, nên không được FDI ngó ngàng. Hố ngăn cách được đào rộng, moi sâu.


Lấn sân phân phối


Các hãng phân phối quốc tế từ lâu đã nhìn thấy Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn vừa vì dân số lớn mà hệ thống phân phối, mạng lưới bán lẻ của Việt Nam còn non trẻ. Từ 1/1/2009 - theo lộ trình cam kết quốc tế ta phải mở cửa cho các hãng phân phối 100% vốn nước ngoài - họ xung trận với vốn liếng dồi dào, hàng hoá đầy ứ, trình độ quản lý cao, tầm nhìn chiến lược, kỹ năng tiếp thị sành sỏi, quảng cáo, khuyến mại mê hồn, phương thức văn minh. Trong khi đó, ta có 9.000 chợ các loại, hơn 70 trung tâm mua sắm, 400 siêu thị lớn nhỏ, kể ra đã là lực lượng hùng hậu so với 20 năm trước đây. Đông mà không mạnh, chẳng hợp sức để cải thiện tình hình ngoại trừ việc ngoắc tay tăng giá.


Hơn thế nữa lực lượng “cổ động viên sân nhà” với tâm lý xính dùng hàng ngoại, tiền nào của ấy, không lăn tăn về mọi mặt .., sớm muộn gì cũng quay lại cổ suý cho “đội khách”. Trận đấu mới bắt đầu, song hồi kết sẽ tới với kết quả được báo trước, không cần đến chú bạch tuộc tiên tri.


Căng thẳng quan hệ chủ thợ


Từng mong muốn FDI sẽ thu hút nhiều lao động. Điều đó có nhưng không bõ bèn. Số lao động làm việc cho FDI tại thời điểm 1/7/2000 là 358 nghìn chiếm tỷ lệ 1,0% tổng số lao động trên của toàn quốc. Các cặp số liệu tương ứng của 2005 là 1,112 triệu - 2,6%. Năm 2008 là 1,694 triệu - 3,7%. Năm 2009 là 1,611 triệu - 3,4%.


Nhưng một số doanh nghiệp bộc lộ nhiều nhược điểm như trả lương chậm - chậm tăng lương - bớt xén tiêu chuẩn bảo hiểm, an toàn lao động - sa thải - cúp phạt...


Các nhà FDI xuất xứ từ nền công nghiệp phát triển nên họ thừa hiểu việc xây dựng cơ sở sản xuất bao giờ cũng gắn liền với bảo vệ môi trường. Song với lý do “tế nhị” quy chuẩn tối thiểu này khi đầu tư vào Việt Nam đã không bị bắt buộc, mà Vedan chỉ là ví dụ điển hình. Kiện, họ bồi thường, nhưng chất độc hoà vào dòng nước, thâm sâu lòng đất, bao người dân được thụ hưởng hàng chục năm nay, chỉ có bệnh viện K, nghĩa trang, đài hoá thân hoàn vũ mới giải quyết triệt để.


Cơ chế bất cập


Kể từ khi ban hành lần đầu tiên vào năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài đã được sửa đổi tới 4 lần vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000. Đến năm 2005, với việc Ban hành luật đầu tư chung đã sáp nhập Luật đầu tư nước ngoài với Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Qua 5 năm thi hành Luật mới - được xem là đánh dấu phát triển đặc biệt của hệ thống pháp luật của Việt Nam - song đã sớm bộc lộ nhiều khiếm khuyết: mục đích không rõ rằng, nhiều khái niệm mù mờ, không ít quy định trùng lặp, mâu thuẫn với chuyên ngành khác.


Vì nóng lòng tăng trưởng GDP, muốn có thứ hạng cao về chỉ số năng lực cạnh tranh, muốn có số thu ngân sách vượt trội, nên khi được phân cấp “làm việc” với các nhà FDI, cấp dưới đều háo hức trải thảm đỏ, đua nhau săn đón , đãi đằng hậu hĩ, chiều chuộng, chăm sóc hết lòng, không dám ràng buộc, cũng chẳng tinh tường để ràng buộc, nên đã nhanh chóng bộc lộ những bất cập, lúc bung bét ra sân gôn, cho thuê rừng, đào quặng... lại đổ tội cho cơ chế. Khi phân quyền còn hàm ý bớt sách nhiễu, phiền hà, song những chiêu này được cấp dưới tiếp thu và vận dụng sáng tạo. Nhà FDI chả chịu thiệt mà “kính chuyển” tắp lự vào giá thành.


Gian nan quản lý


Toàn bộ quá trình từ đưa máy móc vào - cung ứng nguyên liệu - tổ chức sản xuất, gia công đến thu xếp đầu ra đều được khép kín, phía Việt Nam không được phép biết. Vì vậy họ thoải mái dùng các thủ pháp thổi giá vật tư, máy móc để tâng giá trị dự án và tăng tỷ lệ góp vốn trong liên doanh, khai khống giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tạo giá thành ảo, hạch toán vờ, trốn thuế thật. Năm 2009 gần 60% số doanh nghiệp FDI tại thành phố Hồ Chí Minh báo cáo lỗ. Tựu chung đóng góp vào ngân sách nhà nước của Khối này đáng thất vọng, trong các năm 2005 -2008 chỉ xung quanh 9-10% tổng thu ngân sách quốc gia. Năm 2009, vin cớ khủng hoảng, đóng góp của họ giảm 11,25%, trong khi khu vực tư nhân chỉ giảm 4,4%, còn doanh nghiệp nhà nước vẫn tăng 6,2%.


Nguyễn Duy Nghĩa
(theo vnexpress)


(Source: Tin180 - Được mất từ FDI - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét