Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Chiếc đèn ông sao không lấp lánh - Cửa sổ blog - Thế giới blog - Tiêu điểm

’Mẹ ơi, cô giáo con bảo nộp tiền để mua đèn ông sao, Trung thu này cả lớp con được đi rước đèn đấy mẹ ạ!’ - Đó là năm tôi học lớp 6. Tôi háo hức bao nhiêu thì mẹ đăm chiêu bấy nhiêu, mà tôi thì không nhận ra điều đó.

Ngày đó, để mua được một cái đèn ông sao dán bằng giấy nilon màu xanh đỏ lấp lánh, trong suốt (như giấy gói oản bây giờ) chẳng dễ chút nào. Mẹ không hứa, nhưng cũng chẳng thể hết đăm chiêu suốt bao ngày, kể từ khi tôi đòi mua đèn ông sao.


Lớp 6, tôi là lớp trưởng hẳn hoi nhé. Và đương nhiên lớp trưởng thì sẽ đứng đầu hàng khi đi rước đèn. Tôi tự hào lắm. Nhưng chiếc đèn ông sao lấp lánh kia vẫn là mơ ước.


Mấy hôm, tôi thấy bố đi làm về là hì hụi ngồi vót tre thành những chiếc nan dài thật dài, và đều tăm tắp. Mẹ bảo rằng bố đang làm đèn ông sao đấy. Ui cha, tôi nhảy cẫng lên, chạy đi khoe với lũ trẻ con khắp xóm: Bố tao làm đèn ông sao cho anh em tao nhá, to ơi là to, đèn của chúng mày thua hết, nhá... Lũ trẻ con tròn xoe mắt, và cũng trông chờ chả kém gì tôi, dù chúng nó đang ghen tị phải biết...


Rằm Trung thu, cô giáo chủ nhiệm cho các lớp xếp hàng ở sân trường như lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai hàng tuần. Cũng quần áo sạch sẽ, khăn quàng đỏ, chỉ khác là trên tay mỗi bạn có thêm một cái đèn ông sao. Cả sân trường chỉ có tôi và lác đác vài bạn là mang đèn ông sao do tự tay bố mẹ làm cho. Nhìn những chiếc đèn tự làm là biết ngay vì đều không có giấy lấp lánh như đèn bán sẵn, mà là giấy màu xỉn xỉn (cũng xanh, cũng đỏ nhưng chẳng hấp dẫn tẹo nào).


Chiếc đèn ông sao không lấp lánh - Tin180.com (Ảnh 1)


Nhìn các bạn xúng xính chiếc đèn ông sao gắn thêm một cái nến nhỏ xíu bên trong, nó sang rực lên ánh đỏ, tôi thầm tủi thân vì đèn của mình chẳng lấp lánh như thế. Giữa đêm tối chẳng nhìn rõ đèn của tôi màu gì nữa...


Cô giáo phụ trách đội sau khi ổn định trật tự xong, nhìn thấy tôi đứng đầu hàng của lớp mà tay lại cầm cái đèn ông sao tối thui, cô bảo: "Sao em không bảo mẹ mua đèn như các bạn rồi cắm nến cho đẹp, em đứng đầu hàng, không thể cầm cái đèn này được..." Thực ra, tôi cũng mơ ước cái đèn lấp lánh như các bạn lắm chứ - dù bé hơn cái bố làm cũng được. Tôi bối rối chẳng biết nói thế nào với cô giáo.


Cô đi xuống phía dưới, cầm lên một cái đèn ông sao, chẳng biết của bạn nào, lấp lánh màu xanh đỏ, có nến thắp sang rực lên. Cô đổi cho tôi ông sao đó, còn cô cầm ông sao của tôi đưa cho bạn nào đó tít phía cuối hàng. Cả đêm rằm, tôi xúng xính và khư khư ôm cây đèn rực rỡ. Khi phá cỗ Trung thu, rồi đến tận khi ra về, tôi vẫn ôm chiếc đèn lấp lánh kia, mà quên hẳn cái đèn rất chắc chắn mà bố đã làm cho tôi.


Khi về nhà, tôi níu tay mẹ, khoe: Lúc tối bố mẹ có nhìn thấy con không? Con cầm cái đèn lấp lánh cơ, không phải cái bố làm cho con đâu... Sự hồn nhiên thơ trẻ đã không cho tôi cảm nhận được nỗi buồn lặng đi trong đôi mắt bố mẹ tôi ngày ấy, cũng không cho tôi hiểu được nỗi ấm ức, tủi hờn của bạn đã bị cô giáo bắt phải đổi ông sao lấp lánh kia cho tôi... Chẳng biết có quá muộn không, khi mà mãi về sau, tôi mới nhận ra rằng không phải cái gì lấp lánh và rực rỡ cũng là đẹp...


Đào Quỳnh Nga
(Bài dự thi ’Trung thu của tôi’)
(theo ngoisao)


(Source: Tin180 - Chiếc đèn ông sao không lấp lánh - Cửa sổ blog - Thế giới blog - Tiêu điểm )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét