Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2010

Ứng xử khoan hòa - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog

Tuổi trẻ luôn sẵn tính cách hiếu thắng nên mỗi người phải biết tự kiềm chế. Phải tôn trọng những chuẩn mực đạo đức xã hội và tôn trọng luật pháp

Bây giờ ra phố, rất dễ gặp những thanh niên có phong thái, trang phục, hành vi khác người với thanh niên con nhà lao động nghèo, thanh niên nhập cư, những hình ảnh họ thấy và cuộc sống hằng ngày của họ cũng là phản ánh của khoảng cách giàu - nghèo ngày càng bị kéo dãn.


Khi nhận thấy sức mạnh của đồng tiền trên những thanh niên thích phô trương, hợm hĩnh, những thanh niên nghèo bất bình, họ tìm cách chứng minh rằng nhiều tiền chưa chắc đã mạnh, nếu đụng chạm thì dùng vũ lực “cho nó biết tay, chừa thói khoe giàu”...


Mặc cảm thân phận cùng hoàn cảnh bức bách dễ đẩy người ta đến chỗ nóng nảy và không làm chủ được mình khi xảy ra chuyện liên quan tới mình, trực tiếp đụng chạm tới mình. Mặt khác, trình độ học vấn thấp, ý thức pháp luật kém, lại ít bị pháp luật xử lý từ những hành vi có thể đã từng hành xử trước đó ở cấp độ thấp hơn nên họ đâm lờn.


Trên đường phố, họ ngang nhiên khạc nhổ, chạy xe nẹt pô, nói cười khả ố, chửi thề văng tục bạt mạng...; vào quán ăn uống, ngồi xổm trên ghế hoặc gác chân lên ghế, cũng chẳng ai dám phê bình, nhắc nhở; ở nhà thì mở nhạc hết cỡ hoặc hát karaoke với âm thanh thật lớn, bất chấp sự khó chịu của xóm giềng... Nhưng khi không bị xử lý, họ thấy chuyện đó là chuyện thường, thậm chí như là một “biểu trưng” cho cốt cách ngang tàng, anh chị...


Còn với thanh niên con nhà khá giả, cũng không ít người có trình độ nhận thức và văn hóa ngược lại với túi tiền. Quen dùng đồng tiền để có những thú vui và phương tiện vật chất, họ chỉ nghĩ rằng những thứ hàng hiệu, xe hiệu, những phục trang khác người mới tạo nên giá trị cho mình mà không biết sự lố lăng, hở hang và quái dị lắm khi trở thành chướng tai gai mắt mọi người.



Ứng xử khoan hòa - Tin180.com (Ảnh 1)

Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM nơi có nhiều hoạt động bổ ích

đối với việc xây dựng nhân cách giới trẻ. Ảnh: TẤN THẠNH

Không cần học giỏi vẫn được cha mẹ “chạy” vào trường lớn, muốn du học lúc nào cũng được, dù có khi ra nước ngoài chỉ để ăn chơi rồi trở về mà đầu óc trống rỗng; họ vẫn có chỗ làm ngon lành do cha mẹ kiếm cho, vẫn sống cuộc đời nhẹ nhàng hơn bao người khác, tạo nên quen thói đứng trên, sai khiến người khác. Những hoàn cảnh sống khác nhau song tính cách hiếu thắng, không kiềm chế của tuổi trẻ thì ai cũng sẵn có đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi những người này xô xát, đụng chạm với nhau...


Do đó, cái cần thiết bây giờ là giáo dục nhận thức cho giới trẻ, đề cao những giá trị văn hóa, tinh thần hơn là giá trị vật chất thuần túy. Trước hết là phải khoan hòa trong ứng xử, tôn trọng những chuẩn mực đạo đức xã hội và tôn trọng luật pháp. Khi cư xử tốt và tôn trọng người khác, chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn thanh thản hơn và nhận lại sự hài lòng từ những người chung quanh nhiều hơn.


Những gì mỗi chúng ta rèn luyện, phấn đấu, hướng tới giúp ích cho cuộc sống chúng ta và những người xung quanh ta là điều đáng trân trọng. Mặt khác, phải biết trân trọng cuộc sống của chính mình và không làm tổn hại mọi người chung quanh, đóng góp sức mình vào xã hội là điều những người tuổi trẻ cần làm theo.

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG
(theo nld)


(Source: Tin180 - Ứng xử khoan hòa - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét