Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở Nghệ An: Khó triển khai vì chưa phù hợp - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog

Lần đầu tiên người dân Nghệ An được tiếp cận công nghệ gặt lúa bằng loại máy hiện đại. Thế nhưng việc thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch rất khó triển khai vì chưa phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp nơi đây.




Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở Nghệ An: Khó triển khai vì chưa phù hợp - Tin180.com (Ảnh 1)

Lần đầu tiên chiếc máy gặt liên hoàn ra đồng nhiều người dân kéo đến xem



Còn nhớ cách đây gần 10 năm, lần đầu tiên người dân tỉnh Nghệ An được chứng kiến cách thu hoạch lúa bằng máy móc. Chiếc máy gặt lúa đơn giản chỉ là cải tiến từ chiếc máy cắt cỏ nhưng cũng đã “một cuộc cách mạng” trong khâu thu hoạch lúa ở đây.

Vì được cải tiến từ chiếc máy cắt cỏ nên nó còn rất đơn giản, gồm một chiếc cần bằng sắt, một chiếc động cơ và một lưỡi hái. Khi thu hoạch lưỡi hái cắt lúa sát tận gốc để cây lúa ngã xuống thành từng hàng.


Tuy nhiên nó chỉ thực sự gây “sốt” trong nông dân trong một thời gian ngắn bởi vì ngoài việc gặt lúa nhanh thì nó cũng không thể hiện được tính ưu việt trong thu hoạch. Sau khi gặt xong phải mất thêm nhân lực để đi bó lúa, vận chuyển về nhà và tuốt thủ công (thời điểm đó máy tuốt lúa liên hoàn chưa được sử dụng).


Mặt khác vì gặt sát gốc nên bó lúa rất dài, khó chất lên xe, khi về tuốt lại hay bị ríu. Vậy là chỉ sau một mùa thu hoạch, hàng chục chiếc máy gặt đành phải xếp xó. Đồng nghĩa là hàng chục triệu đồng bị lãng phí.


Vụ hè thu năm 2010 này nông dân Nghệ An lần đầu tiên được thấy chiếc máy gặt lúa liên hoàn. Chiếc máy có giá 230 triệu đồng phải ra tận Hà Nội mới mua được. Chiếc máy gặt khá cồng kềnh, các bánh xe được thay thế bằng hai bánh xích như xe tăng để có thể thực hiện nhiệm vụ trên nhiều địa hình khác nhau.



Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở Nghệ An: Khó triển khai vì chưa phù hợp - Tin180.com (Ảnh 2)
Một lão nông chăm chú "nghiên cứu" chiếc máy gặt liên hoàn



Ngày đầu tiên chiếc máy ra đồng thực hiện nhiệm vụ của mình hàng trăm người dân hiếu kỳ đã đổ ra xem. Nhiều lão nông suốt đời chỉ biết còng lưng gặt lúa là những người tỏ ra thích thú hơn cả.


Lần đầu tiên trong đời họ được chứng kiến cách gặt và tuốt lúa chỉ trong một công đoạn. Lúa được gặt khi cái máy dùng bánh răng thiết kế như những chiếc “tay” gom vào khoang gặt và hệ thống liềm xoáy cắt gọn. Sau đó tiếp tục đẩy vào trong bụng máy và tuốt, hạt lúa chảy ra bao tải được chăng phía dưới.


Chỉ trong vòng 30 phút một sào lúa đã được thu hoạch hoàn chỉnh. “Tính ra chi phí gặt một sào lúa (500m2) rẻ hơn gặt thủ công. Hiện tại thu hoạch lúa bằng máy liên hoàn này mỗi sào ruộng chỉ mất 150.000 đồng. Trong khi đó nếu thu hoạch thủ công mỗi sào sẽ mất 220.000 đồng (bao gồm 150.000 đồng tiền công gặt, 40.000 đồng tiền tuốt lúa và 30.000 tiền vận chuyển) - ông Nguyễn Đình Giáp, chủ chiếc máy gặt liên hoàn đầu tiên ở xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.



Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm là nhanh, rẻ thì chiếc máy gặt liên hoàn tỏ ra chưa phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An.


Hiện tại công tác dồn điền đổi thửa ở Nghệ An đã được tiến hành một cách khá hoàn chỉnh, nhưng ruộng đồng lại nơi cao, nơi thấp, chỗ thì trũng sâu, nơi khác lại quá cao... nên điều kiện sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch còn hạn chế. Trong khi đó, ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long địa hình bằng phẳng, các thửa ruộng có diện tích rất rộng bởi vậy các thao tác máy móc trên đồng ruộng dễ dàng hơn.


Còn ở Nghệ An, mặc dù đã có những thửa ruộng lớn nhưng ruộng lớn nhất cũng chỉ có diện tích chưa đầy 2.000 m2. Mặt khác do khâu cơ cấu giống lúa và phần lớn bà con nông dân vẫn còn tâm lý trồng loại lúa mình thích bởi vậy trên thực tế là vẫn chỉ là những thửa ruộng nhỏ, manh mún. Đấy chính là trở ngại lớn nhất trong việc sử dujng máy gặt liên hoàn. Chiếc máy kềnh càng rất vất vả để quay đầu, dễ xâm phạm hoặc ảnh hưởng đến những ruộng lúa bên cạnh.



Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở Nghệ An: Khó triển khai vì chưa phù hợp - Tin180.com (Ảnh 3)

Chiếc máy gặt liên hoàn không thể thao tác trên những thửa ruộng lúa bị đổ



Bên cạnh đó việc di chuyển của chiếc máy cồng kềnh và có tải trọng khá lớn này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bờ vùng, bờ thửa. Thực tế thì việc thu hoạch lúa bằng máy liên hoàn này tỏ ra phù hợp với vụ đông xuân hơn. Vào vụ hè thu Nghệ An bị ảnh hưởng của các cơn bão nên diện tích lúa bị đổ rất nhiều.


Đối với những diện tích lúa bị đổ theo một chiều nhất định và chân ruộng khô thì hệ thống các “tay” máy có thể dựng lúa lên để gom vào khoang gặt. Tuy nhiên vào những thời điểm này mưa nhiều, việc tiêu thoát nước rất khó khăn do đó việc đảm bảo cho chân ruộng khô để có thể sử dụng máy gặt liên hoàn là rất khó.


Mặt khác, việc trồng lúa ở Nghệ An còn có quan hệ mật thiết với chăn nuôi. Các sản phẩm sau thu hoạch như rơm, rạ còn được sử dụng làm thức ăn dự trữ cho trâu bò trong cả năm. Trong khi đó chiếc máy gặt liên hoàn lại bằm nhỏ rơm ra từng đoạn ngắn và rải thành từng lối theo đường đi của nó. Số rơm rạ này sau khi khô có thể đốt hoặc ngâm nước trong thời gian dài cho hoai mục để làm phân bón tại chỗ cho ruộng. Tuy nhiên người nông dân lại không thể tận thu rơm rạ để phục vụ cho chăn nuôi hay đun nấu.


Rõ ràng việc sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa sẽ giảm bớt chi phí và công sức cho người nông dân. Nhưng để việc sử dụng máy gặt liên hoàn một cách đại trà như ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long thì Nghệ An và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ cần phải tính toán lại cách phân chia ruộng đất để mỗi hộ có những thửa ruộng lớn, thuận lợi trong chăm sóc, hướng tới sản xuất lúa hàng hóa và đảm bảo cho việc thực hiện cơ giới hóa khi thu hoạch.




Hoàng Lam
(theo dantri)


(Source: Tin180 - Cơ giới hóa thu hoạch lúa ở Nghệ An: Khó triển khai vì chưa phù hợp - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét