Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Vinashin từ góc nhìn một chiếc ôtô không đề được máy - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog

Cơ chế là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự cố Vinashin được các đại biểu nêu ra tại diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, ai chịu trách nhiệm về cơ chế đó thì vẫn chưa có câu trả lời chính thức.


img1


Có một chiếc ôtô không đề máy được và nguyên nhân được xác định bằng cách đặt 5 câu hỏi như sau:


· Câu 1: Tại sao ôtô không đề máy được? Vì bình điện bị hư.


· Câu 2: Tại sao bình điện bị hư? Vì bộ sạc không nạp điện.


· Câu 3: Tại sao bộ sạc không nạp điện? Vì sợi dây bộ sạc bị đứt.


· Câu 4: Tại sao sợi dây bộ sạc bị đứt? Vì sử dụng quá vòng đời sản phẩm.


· Câu 5: Tại sao lại sử dụng quá vòng đời sản phẩm? Vì tôi không kiểm tra định kỳ theo quy định.


Như vậy, nguyên nhân chính đó là TÔI.


Trở lại câu chuyện con tàu Vinashin đang thu hút sự chú ý của công luận và các đại biểu Quốc hội, có ý kiến phát biểu khá thẳng thắn: “đã kiểm điểm là có trách nhiệm trong việc quản lý, và cũng có một phần là do lỗi của cơ chế”.


Tuy nhiên, nếu chiếu theo cách tìm nguyên nhân như ở trên thì cần phải trả lời câu hỏi: Cơ chế ơi, anh là ai? Ai tạo ra cơ chế hay cơ chế tự nó sinh ra nó?


Nói một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, nếu chúng ta đã tạo ra một cơ chế gây ách tắc trong việc quản lý kinh tế - xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm thay đổi cơ chế đó một cách nhanh nhất, phù hợp với sự tiến bộ của xã hội và theo nguyện vọng của nhân dân. Đổ lỗi một phần hay toàn phần cho cơ chế cũng không giải quyết được vấn đề.


Mea culpa, mea maxima culpa”.


Câu nói tiếng Latin này có từ trước năm 1.100 với ý nghĩa tạm dịch là “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Lời nói này vẫn còn nguyên vẹn giá trị trong mọi lĩnh vực cho tới tận hôm nay.


Mộc Cầm Khuyên
(theo vnexpress)


(Source: Tin180 - Vinashin từ góc nhìn một chiếc ôtô không đề được máy - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét