Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Không nơi nương tựa - Cửa sổ blog - Thế giới blog

Nếu như đã đọc ’Cho tôi xin một vé đi về tuổi thơ’ của Nguyễn Nhật Ánh bạn sẽ thấy một dòng sông tuổi thơ trong trẻo, diệu kỳ và đầy nét hồn nhiên ngây thơ của những đứa trẻ. Nhưng có phải đứa trẻ nào cũng có một mái nhà, được sống trong sự yêu thương và chăm sóc của cha, của mẹ không?

Không nơi nương tựa có lẽ sự lựa chọn của tôi dẫu chỉ là một sự tình cờ, bởi tựa đề quyển sách giống như hoàn cảnh của tôi khi ấy, để rồi sau khi lật từng trang sách đi theo sự dẫn dắt của Dave Pelzer bằng những lời kể chân thực, tôi đã rơi nước mắt thương cảm cho số phận của đứa trẻ.


Bạn hãy cầm quyển sách lên, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không thể buông xuống. Bạn cũng sẽ như tôi, tất cả chúng ta sẽ cùng David đi tới cảm nhận thực sự của nỗi sợ hãi, mất mát, bị cô lập, nỗi đau và hận thù. Để biết được thế nào là sự giày vò về tinh thần lẫn thể xác từ chính người thân yêu của mình.


Không nơi nương tựa - Tin180.com (Ảnh 1)


Khi mở cửa phòng, một sự tĩnh lặng vây lấy tôi. Căn phòng chìm trong bóng tối, chỉ có duy nhất tia sáng hắt ra từ ngọn đèn trong nhà bếp... Mẹ quỳ xuống nền nhà, mở cái thùng bên dưới bồn rửa chén và lấy ra một cái chai đựng amoniac. Tôi không hiểu gì hết. Rồi bà với tay lấy một cái muỗng và rót dung dịch ấy ra. Tôi hoảng sợ và hoang mang đến cực độ không thể nghĩ được gì cả. Càng muốn định thần suy nghĩ đầu óc tôi lại càng trở nên tê cứng...


Không một chút do dự, tôi há to miệng ra, mẹ thọc sâu cái muỗng lạnh buốt ấy vào cổ họng tôi. Tôi tự trấn an mình rằng điều này chẳng có gì là ghê gớm cả, nhưng chỉ liền sau đó, tôi không thể thở. Cổ họng tôi như bị tắt nghẹn. Tôi loạng choạng trước mặt mẹ, mặt tôi căng cứng và nóng bừng, cảm giác như thể hai mắt tôi sắp sửa vọt ra ngoài. Rồi tôi ngã quỵ xuống sàn. "Bọt xà phòng" - Tâm trí của tôi gào thét trong oán hận...


Tôi thừa biết bà ấy hành hạ tôi như thế chỉ để thoả mãn thú vui bệnh hoạn của mình mà thôi. Khi mẹ ép tôi uống dung dịch amoniac, cha tôi vẫn đứng đó bất động".


Bất kể ai trong chúng ta cũng có ít nhất một lần phạm lỗi. Tôi xin khẳng định rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng từng oán trách cha mẹ, dù được cha mẹ yêu thương và hy sinh hết mình. Nhưng với David tình yêu đó chỉ tồn tại trong giấc mơ, mơ về một người nào đó quan tâm, yêu thương và gọi cậu là con. Dù cậu bị mẹ vùi dập đau thương, dù những người anh em xa lánh và người cha cậu tin tưởng đã mãi mãi không đủ can đảm để cứu thoát cậu ra khỏi địa ngục khi cậu nghe ông thốt lên câu: "Cha.. ch...a... Cha xin lỗi con" - lời nói của cha lẫn trong mùi men rượu đã khiến cậu tỉnh táo nhận ra niềm hy vọng cuối cùng đã không bao giờ thành hiện thực và chẳng có bất kỳ ai để nương tựa.


"Vậy là tôi vẫn sống" - Đó là lời cuối một quá trình chiến đấu không ngừng hy vọng, bằng mọi cách để có được sự giải thoát, có được quyền tự do lựa chọn, quyền được sống và yêu thương. Nỗi đau đã hoàn toàn kết thúc.


Tôi biết cái lỗ đen vũ trụ sâu thăm thẳm vẫn ở đâu đó ngoài kia, chờ đợi để nuốt chửng tôi và kiểm soát mãi mãi số phận của tôi - nhưng điều đó chỉ xảy ra khi nó được tôi cho phép. Giờ đây tôi đã nắm được quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Tôi thật hạnh phúc. Những nghiệt ngã trong quá khứ đã giúp tôi có được một ý chí mạnh mẽ... Tôi được giải thoát.


Không nơi nương tựa là một câu chuyện vô cùng cảm động và thu hút. Nói lên khát vọng sống và ý chí tuyệt với của cậu bé David. Câu chuyện là một sự phản ánh rõ ràng về bạo hành trẻ em, sự vô cảm của những người xung quanh, tiếng than khóc của đứa trẻ bị ngược đãi. Nhưng thế giới tối tăm áy cuối cùng cũng được phơi bày ra ánh sáng, cậu đã sống sót bằng chính sức mạnh và sự đấu tranh của chính mình.


Tác phẩm của Dave Pelzer rất có ý nghĩa đối với những ai đó đang đi tìm bí mật của sức mạnh nội tại.


Habui
(Cuốn sách của tôi)
(theo ngoisao)


(Source: Tin180 - Không nơi nương tựa - Cửa sổ blog - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét