Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Phát huy hiệu quả của việc ban hành 'Chuẩn hiệu trưởng' - Diễn đàn - Thế giới blog

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nhà trường, nhất là vai trò đội ngũ hiệu trưởng, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy định “Chuẩn Hiệu trưởng” trường THCS, THPT và trường THPT có nhiều cấp học và bắt buộc triển khai từ năm học 2010 - 2011.

Mục đích hàng đầu của “Chuẩn hiệu trưởng” là giúp Hiệu trưởng tự đánh giá để từ đó hoàn thiện, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường. Chuẩn hiệu trưởng cũng là căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với hiệu trưởng. Với những nội dung, tiêu chí khá cụ thể, chi tiết được đề ra trong quy định, hiệu truởng phải là người thực sự có năng lực sư phạm, năng lực quản lý, năng động sáng tạo và có trách nhiệm cao với sự nghiệp “trồng người”.


Trong những năm qua, dù đã được chú trọng nhưng chất lượng đội ngũ hiệu trưởng ở các trường phổ thông còn bộc lộ không ít những bất cập, hạn chế. Bên cạnh những hiệu trưởng có năng lực quản lý, phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, nhận được sự tin yêu, quý trọng của phụ huynh, học sinh, sự tín nhiệm của đông đảo cán bộ giáo viên trong nhà trường, còn tồn tại không ít những hiệu trưởng có cung cách quản lý theo kiểu gia trưởng, độc đoán, ít quan tâm đến quyền lợi chính đáng của giáo viên và học sinh trong khi lại vun vén lợi ích cá nhân. Thậm chí, có không ít những vị hiệu trưởng lợi dụng chức vụ để tham nhũng, trục lợi với nhữug chiêu thức cơ bản và “quen thuộc” như: “bắt tay” với kế toán, thủ quỹ bót xén tiền mua sắm thiết bị đồ đùng dạy học; “vòi” tiền “hoa hồng” từ việc xây dựng cơ sở vật chất; nhận tiền “cảm ơn” trong tiếp nhận, tuyển dụng giáo viên; thiếu minh bạch công khai trong quản lý thu - chi tài chính nhằm lập lờ, bòn rút công quỹ… Đáng buồn hơn, đã xuất hiện những vị hiệu trưởng tha hoá biến chất nghiêm trọng về đạo đức, tư cách. Vụ “mua trinh” hàng chục nữ sinh của ông Sầm Đức Xương - cựu hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh - Bắc Quang - Hà Giang gây bất bình, phẫn nộ trong dư lụân thời gian gần đây là một minh chứng điển hình. Những hành vi tiêu cực của một số hiệu trưởng bị phát giác gây khiếu kiện, mất đoàn kết nội bộ lảm giảm sút niềm tin đối với phụ huynh, học sinh. Từ đó, ảnh hưởng lớn đến nề nếp, chất lượng dạy và học trong nhà trường, thiệt thòi nhất vẫn là các thế hệ học sinh.

Trước thực trạng đó, quy định “chuẩn hiệu trưởng” mà Bộ GD&ĐT mới ban hành đuợc kỳ vọng là sẽ góp phần xây dựng, đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng. Góp phần phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, là cứ liệu quan trọng giúp các cơ quan quản lý giáo dục cấp trên thực hiện việc đề xuất đánh giá xêp loại hiệu trưởng cũng như thực hiện chế độ chính sách luân chuyển phù hợp với yêu cầu đặt ra. Theo quy định “chuẩn hiệu trưởng”, giáo viên có quyền được “chấm điểm” hiệu trưởng dựa trên 5 tiêu chuẩn nghề nghiệp và 30 tiêu chí, cụ thể như: Đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực quản lý, tác phong làm việc, giao tiếp ứng xử… Tổng điểm được “chấm” tối đa là 300 điểm. Theo đó, mỗi tiêu chí tính thang 10 điểm, đánh giá chung chia làm 4 loại: Loại xuất sắc 270 điểm (phải đạt ít nhất 8 điểm/tiêu chí); loại khá đạt tối thiểu 210 điểm (đạt ít nhất 6 điểm/tiêu chí); loại trung bình đạt tối thiểu 150 điểm và loại kém dưới mức 150 điểm hoặc có tiêu chí đạt không điểm. Hiệu trưởng được xem là đạt chuẩn nếu xếp loại đạt từ trung bình trở lên. Quy trình “chấm điểm” được thực hiện như sau: hiệu trưởng tự nhận xét đánh giá trước tập thể nhà trường, cán bộ giáo viên sẽ tham gia đánh giá, góp ý. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp hiệu trưởng sau khi tham khảo kết quả, có biện pháp đối chiếu, kiểm chứng thực tế sẽ xếp loại, đánh giá. Kết quả của việc “chấm điểm” hiệu trưởng được công bố công khai và lưu trong hồ sơ cán bộ.

Trên thực tế, việc “chấm điểm” hiệu trưởng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, khách quan, chính xác sẽ là “thuốc thử” cần thiết đối với năng lực, trình độ quản lý của hiệu trưởng. Giúp mỗi hiệu trưởng có thể tự điều chỉnh mình và có ý thức hơn trong việc rèn luyện bản thân và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Đồng thời, đó cũng là cơ hội để đội ngũ giáo viên, cán bộ công nhân viên trong nhà trường bày tỏ ý kiến, quan điểm đối với người quản lý trực tiếp của mình, tạo ra không khí dân chủ, cởi mở trong hội đồng nhà trường. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện cần khắc phục một số hiện tượng bất cập như: giáo viên sợ hiệu trưởng trù dập, gây khó khăn trong công tác chuyên môn, giảng dạy nên không trung thực trong đánh giá, “chấm điểm”; hiệu trưởng tìm cách “lấy lòng” giáo viên bằng kiểu quản lý “dĩ hoà vi quý”. Nên chăng, bên cạnh việc xem kết quả “chấm điểm” hiệu trưởng là một kênh thông tin quan trọng, các cấp quản lý cần dựa vào mức độ chuyển biến, tiến bộ, hiệu quả trong chất lượng dạy - học của đơn vị trường học để giúp cho việc đánh giá, xếp loại năng lực quản lý của hiệu trưởng được toàn diện và chính xác hơn.


Bùi Minh Tuấn
(theo dantri)


(Source: Tin180 - Phát huy hiệu quả của việc ban hành 'Chuẩn hiệu trưởng' - Diễn đàn - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét