Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Chiếc đài của mẹ - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog


Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), anh rể tôi mang về tặng bố mẹ tôi chiếc đài (radio) hiệu Naltional của Nhật. Khỏi phải nói hết nỗi vui sướng của bố mẹ tôi, cứ suốt ngày chiếc đài phải hoạt động hết công suất của nó.


img1


Hết sóng ngắn một (SW1), đến sóng ngắn hai (SW2) lại sang sóng trung (MW); hết chương trình thời sự đến các chuyên đề, nhất là tối thứ bảy có câu chuyện cảnh giác đến chương trình sân khấu truyền thanh, cả xóm đến quanh nồi nước chè xanh để nghe.


Hết năm này sang năm khác, chiếc đài trở thành vật thân quen gần gũi không thể thiếu của bố mẹ tôi. Hồi trước những năm đổi mới, pin còn rất hiếm, người ta chỉ phân phối cho cán bộ công chức, bọn tôi đi thoát ly nên qùa gửi về hàng tháng không gì qúy bằng đôi pin cho các cụ nghe đài.


Khi các phương tiện thông tin phát triển, làng xóm xuất hiện nhiều tivi, casset, nhưng chiếc đài vẫn luôn gắn bó với các cụ. Khi bố tôi qua đời, chiếc đài lại càng gắn bó với mẹ tôi hơn, hình như ngoài các chương trình từ cái đài phát ra, còn có cái gì giống như hơi ấm được ấp ủ hơn hai chục năm bên cạnh hai người nay còn giữ lại trong nó.


Dù đi thăm con là đứa ở gần hay đứa ở xa mẹ tôi luôn mang theo nó, ai về đón mẹ đến chơi nếu quên mang đài theo cho mẹ, thì dù xa hay gần cụ đều bắt về lấy hoặc không cụ sẽ tự ra đón xe về nhà ngay. Hai năm nay vì bận nhiều công việc, tôi lơ đễnh quá, ít quan tâm đến chiếc đài của mẹ, bởi tôi nghĩ đã có tivi, cassets, đầu đĩa với nhiều chương trình thay cho rađio.


Mặt khác do dùng lâu ngày các linh kiện già bóng, rụng chân nên chiếc đài không nói được. Lần này về thănm cụ, thấy mẹ tôi cứ buồn buồn ra ngẩn vào ngơ, sợ cụ bị ốm, vợ tôi đưa cụ đi khám bệnh, ngoài tuổi già sức yếu, Bác sỹ bảo mẹ tôi không có bệnh gì hơn. Bọn tôi cố gắng mua đủ mọi thứ nào thực phẩm ngon, lạ miệng, nào thuốc bổ, nào sâm, hay rượu ngâm thuốc mang về nhưng bà vẫn thờ ơ, lại còn trách rằng chúng tôi hoang phí, để dành nuôi con cháu học hành.


Một hôm đang ngồi chơi nghe tiếng loa của xóm phát chương trình ca nhạc về những bài ca đọng mãi, những bài ca đi cùng năm tháng, tôi sực nhớ ra chiếc đài của mẹ không thấy đâu và chợt nghĩ ra nguyên nhân của cụ buồn không ngoài lý do là chiếc đài bị hỏng, gặng hỏi mãi, mẹ tôi mới nói: Hai tháng nay chiếc đài bị hỏng, thằng út nó mang đi sửa nhưng ở đâu cũng bảo giờ người ta không dùng loại này nữa, linh kiện loại này giờ hiếm lắm.


Hai chú em tôi đã mua về cho mẹ không dưới chục cái đài loại mới nhưng gần như cụ không thích, bởi tiếng nó không trong như chiếc National của mẹ, nhiễu sóng liên tục, nhất là khi tối đến người ta bật bóng nê ông có chắn lưu điện tử, không sóng nào nghe nổi, toàn tiếng rồ át cả các chương trình. Tôi hỏi mẹ chiếc đài đâu rồi, mẹ tôi lục trong hòm mang ra, cụ bọc nó trong một tấm vải đỏ rất kỹ. Mẹ mở nó ra như mở một báu vật quý.


Tôi xem qua thấy chiéc đài vẫn bóng sạch. Nhờ nhứng năm tháng được học trong trường sỹ quan thông tin, lại có thâm niên hơn 11 năm phục vụ trong binh chủng thông tin liên lạc, tôi biết được chiếc bóng cao tần bị hỏng, đánh xe chạy xuống các tiệm sửa chữa điện tử tìm cả buổi vẫn không có chiếc nào thay, vì loại radio mới bây giờ toàn bóng than, chỉ số trở của nó rất nhỏ không thể thay thế được.

Tôi mang về và hứa với mẹ tôi sẽ quyết tâm làm cho nó sống lại như cũ, nghe tôi nói tuy chưa tin lắm, nhưng thấy mẹ tôi vui hơn. Mang về phố huyện, nhờ hết bạn bè tìm mua hộ những chiếc radio hiệu National cũ, nhờ bạn bè tìm mãi mới tìm ra chiếc linh kiện thay thế, lắp đặt, đo các chỉ số thấy khớp, lắp pin vào, chiếc ra đi o phát ra tiếng trong và rõ, không kịp mặc quần áo, tôi đội mũ phóng xe về báo tin cho mẹ.


Vừa mở đài ra lại đúng chương trình sân khấu truyền thanh, tiếng nói trong lành, phát ra to khỏe từ chiếc đài cũ, mẹ tôi ôm lấy chiếc đài, mắt rưng lệ, cụ ôm chặt lấy nó ngồi rất lâu. Mấy anh em tôi ngồi im lặng nhìn mẹ, không dám làm ồn sợ đánh mất cảm giác, sự thiêng liêng mà mẹ tôi hình như đang dành cho bố tôi. Sau một khoảng thời gian dành riêng với bố, mẹ tôi quay lại cảm ơn tôi.


Mẹ nói mẹ biết các con thương mẹ, mua về nhiều chiếc đài mới, nhưng chiếc đài này vừa là kỷ vật gắn bó lâu dài với bố mẹ, nó làm cho bố mẹ bớt đi bao nỗi nhọc nhằn sau mỗi ngày vất vả, chiếc đài đã cho bố mẹ nhiều thông tin, giúp bố mẹ nhiều kinh nghiệm quý trong làm ăn, để nuôi các con khôn lớn; nó đã ở bên bố mẹ suốt hơn ba mươi năm nay, trong nó còn có cả “linh hồn” của cha con luôn ở bên mẹ, động viên mẹ.


Vì bận công tác ngày mai, tôi phải về nhà của mình, chia tay mẹ ra về, lòng tôi bồi hồi xao xuyến. Sáng hôm sau nghe chú em tôi điện lên rằng hình như đêm qua mẹ không ngủ, khi anh về rồi hàng xóm kéo sang nghe hết chương trình phát thanh, ngồi nói chuyện vui hơn tết, nhiều cụ còn gửi tin nhờ anh tìm giúp cho họ một chiếc, giá cả không thành vấn đề. Thì ra bên cạnh các phương tiện truyền thông hiện nay, tuy nhiều nhưng không hợp với tâm lý người dân.


Chiếc radio ngày nay tuy mẫu mã có đẹp hơn, nhiều công năng hơn nhưng chất lượng tín hiệu thu quá kém. Nhiều chương trình phát thanh rất hấp dẫn, bổ ích và cần thiết, rất tiện cho người dân vừa có thể nghe vừa làm việc, không hại mắt như xem ti vi, không mất thời gian và rất thuận tiện trong lúc di chuyển làm việc, thì gần như các loại radio mới hiện nay không đáp ứng được.


Còn mẹ tôi sau khi chiếc đài được sửa lại, nói tốt như cũ, mẹ tôi vui lắm, cụ như khoẻ ra hơn chục tuổi, suốt ngày vừa quét dọn, chăm vườn tựợc giúp các chú vừa nghe đài, khuôn mặt như rạng rỡ hẳn lên và không bao giờ rời xa chiếc đài cũ ấy.



Phùng Văn Mùi
(theo dantri)


(Source: Tin180 - Chiếc đài của mẹ - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét