Thứ Tư, 14 tháng 4, 2010

Làm thế nào để bảo vệ tốt hơn hoạt động tác nghiệp của phóng viên

Gần đây, tình trạng phóng viên các cơ quan báo chí bị cản trở khi tác nghiệp, thậm chị bị hành hung gây thương tích diễn ra phổ biến hơn. Tính chất phức tạp và hậu quả của các vụ việc cũng nghiêm trọng hơn.

img90


Tuy nhiên, các cơ quan có chức năng, nhất là cơ quan tố tụng lại chưa có những động thái tích cực trong việc xử lý những hành vi cản trở quyền tác nghiệp của cơ quan báo chí trên.


Để đảm bảo quyền tác nghiệp của phóng viên, nhà báo các cơ quan có thẩm quyền cần nhìn nhận vấn đề đúng bản chất và phải có thái độ cương quyết hơn trong việc áp dụng chế tài để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm. Theo quy định pháp luật hiện nay, khả năng truy cứu trách nhiệm pháp lý bao gồm: trách nhiệm hình sự, hành chính, và dân sự.


Thực tế, nhiều vụ nhà báo, phóng viên bị hành hung, cản trở tác nghiệp với tính chất nghiêm trọng nhưng lại không bị xử lý hình sự. Một lý do thường được các cơ quan tố tụng đưa ra là: tỷ lệ thương tích của phóng viên, nhà báo bị hành hung chưa đủ cao để cấu thành tội phạm (khi đối chiếu với tội “cố ý gây thương tích”). Có vụ phóng viên bị giật và bị chiếm đoạt luôn phương tiện hành nghề nhưng cũng không ai bị xử lý vì trị giá tài sản chưa đến mức xử tội cướp, cưỡng đoạt tài sản.


Nhiều vụ khác, phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp bị chiếm đoạt phương tiện tác nghiệp như máy ghi âm, máy ảnh… nhưng sau khi được cơ quan có thẩm quyền can thiệp thì được trả lại. Có khi, phóng viên vừa chụp hình thì bị thu giữ máy, lúc trả lại tất cả dữ liệu trong máy đã bị xóa hết, thiệt hại cho công việc của phóng viên rất nặng nề nhưng tất cả những vụ việc trên lại không bị chế tài. Phóng viên bị làm hư hỏng máy nhưng xét trị giá cũng chỉ vài triệu đồng nên nếu để kiện cáo bồi thường quả mất thời gan, công sức nên cũng hiếm phóng viên nào đưa vụ việc ra tòa để kiện đòi bồi thường dân sự.


Để xử lý nghiêm những hành vi cản trở tác nghiệp hoạt động của phóng viên, có quan điểm cho rằng nên xem xét hoạt động tác nghiệp của phóng viên là hoạt động công vụ. Từ đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên thông qua việc áp dụng hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ. Quan điểm này hiện nay vẫn chưa được một số cơ quan tố tụng công nhận. Bởi lẽ, ở Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới, quan điểm về công vụ được hiểu là công việc được thực hiện bởi công chức. Nếu căn cứ theo các quy định hiện hành về công chức, thì đại đa số phóng viên không phải là công chức. Chỉ những người giữ các vị trí chủ chốt trong cơ quan báo chí mới là công chức. Vì vậy, chỉ khi nhà báo là công chức bị xâm phạm khi tác nghiệp thì mới xử lý tội “chống người thi hành công vụ”. Tuy nhiên, việc tác nghiệp chủ yếu là do đội ngũ phóng viên.


Mặc dù hoạt động nghiệp vụ của nhà báo đã được bảo vệ bằng Luật Báo chí và một số văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì không phải tất cả các phóng viên đều là nhà báo. Chỉ có các phóng viên thỏa mãn những tiêu chuẩn nhất định và được xét cấp thẻ nhà báo theo các quy định hiện hành mới được công nhận là nhà báo. Khi đề cập đến quyền của cơ quan báo chí và người làm báo, thì pháp luật về báo chí (ví dụ như Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng và một số văn bản khác) lại chỉ có quy định về quyền và nghĩa vụ của “nhà báo”. Việc quy định trên đã khiến các phóng viên khi chưa được cấp thẻ nhà báo gặp phải nhiều trở ngại nhất định trong lúc tác nghiệp, thông thường nhất là bị yêu cầu phải xuất trình thẻ nhà báo mới trả lời, cung cấp thông tin. Nhiều cơ quan chức năng nại rằng phóng viên không xuất trình thẻ nhà báo nên không hợp tác mà cũng không vi phạm nghĩa vụ thông tin cho báo chí.


Thêm vào đó, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí là các quyền cơ bản được Hiến Pháp công nhận. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự hiện nay chỉ mới có quy định xử phạt hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, trong đó có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, chứ chưa có quy định xử phạt các hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.


Vị trí và vai trò của báo chí ngày nay đã được thừa nhận và nâng lên một tầm cao mới. Điều này có thể thấy rõ trong các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành về nhiệm vụ, quyền hạn của nhà báo, các cơ quan báo chí. Do đó, nếu hoạt động tác nghiệp đưa tin của phóng viên không được bảo vệ đúng mức thì sẽ khó phát huy hết vai trò của đội ngũ này.


Để bảo vệ hoạt động tác nghiệp của các phóng viên đạt hiệu quả cao, các giải pháp về mặt pháp luật nên được xem xét là:


- Đồng nhất khái niệm phóng viên và nhà báo trong các văn bản quy phạm pháp luật.


- Bổ sung tội danh xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí vào Bộ Luật Hình sự. Qua đó, các hành vi cản trở hoạt động tác nghiệp của phóng viên có thể bao gồm: hành vi xâm phạm sức khỏe của phóng viên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm theo tội cố ý gây thương tích; hủy hoại hoặc ngăn chặn, cản trở việc sử dụng phương tiện tác nghiệp, ngăn cản việc tiếp cận hiện trường, đối tượng phục vụ cho hoạt động tác nghiệp…


- Trong tương lai, khi xây dựng Luật Công vụ, nên cân nhắc đến trường hợp đặc biệt áp dụng các quy định bảo vệ người thi hành công vụ đối phóng viên trong khi tác nghiệp.


Luật sư Ngô Quí Linh, Đoàn luật sư TP HCM
(theo vnexpress)


(Source: Tin180 - Làm thế nào để bảo vệ tốt hơn hoạt động tác nghiệp của phóng viên )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét