Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

Những đứa trẻ bị bỏ rơi - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog - Tiêu điểm

Thời gian gần đây thấy báo đài, tivi nhắc nhiều đến chuyện bỏ rơi những sinh linh bé bỏng mà thương quá. Có phải vì xã hội phát triển, các khu công nghiệp mọc lên nhiều, sinh viên thì sống ngày càng thoáng hơn mà đã đẩy xã hội đến một nghịch cảnh ’bỏ rơi trẻ em’ hay không?

Nguyễn Thị Thanh Thảo


Đa phần là các em mới tốt nghiệp PTTH từ các vùng quê xa xôi lên thành phố hoặc tìm đến những khu công nghiệp xin việc. Với đồng lương công nhân ít ỏi, tiền thuê nhà và chi tiêu sinh hoạt là đã hết veo. Công nhân nam nữ cùng khu trọ, nảy sinh tình cảm rồi sống chung, ngủ chung thì tránh sao được chuyện có thai ngoài ý muốn.


Kiến thức hiểu biết của các em không nhiều, không có sự quản lý của gia đình, có khi mang thai rồi nhiều em chẳng hay biết. Lúc cái bụng lùm lùm đến năm, sáu tháng phát hiện ra thì đã quá muộn. Chẳng có cơ sở y tế nào dám phá bởi nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất cao. Thế là để đẻ, nhưng đẻ thì nuôi thế nào?


Mười tám, hai mươi tuổi lo cho bản thân mình còn chưa xong, lương khu công nghiệp thì còi cọc (1,4 triệu - 1,5 triêu/tháng), thuê nhà, ăn uống còn chả xong huống chi gánh thêm cả con nữa. Mà nói với gia đình thế nào, có khi bố mẹ đuổi ra khỏi nhà cũng nên. Thế là đẻ, mà các em cũng tài thật. Nói đẻ là đẻ tại gia chứ có đến bệnh viện hay cơ sở y tế nào đâu. Đến bệnh viện thì mất kinh phí, rồi kê khai nọ kia lại sợ người này người kia biết.


Và kể ra các em cũng dũng cảm đấy chứ. Mình thì đau đớn, vật vã có sự trợ giúp của bác sĩ mới thành công. Thế mà các em cứ lặng lẽ một mình, đẻ ra rồi vứt đi. Gói vào túi bóng vứt vào thùng rác, vứt ra vườn để kiến bâu, côn trùng cắn mà không quan tâm... vì xác định là giết con chứ không để chúng thành người. Có người đi dọn vệ sinh, nhìn vào sọt rác thấy gì đó động đậy khác thường. Giở ra xem thì thấy một thiên thần còn đỏ hỏn, vẫn còn chưa được cắt rốn. Vội vàng bế bé lên, ủ ấm pha sữa cho bé, rồi chuyển bé đến trạm y tế để chăm sóc... Em bé hồi sinh và cứu sống nhưng còn biết bao sinh linh khác đã vĩnh biệt cõi đời này khi vừa kịp cất tiếng khóc chào đời.








Những đứa trẻ bị bỏ rơi  - Tin180.com (Ảnh 1)


Một em bé bị bỏ rơi bên thùng rác tại thành phố Hà Tĩnh tháng 7 được những người dân tốt bụng cứu sống và tập trung chăm sóc. Ảnh: Thùy Nguyễn - VnExpress.


Có người độc mồm bảo rằng: "Có con mà vất đi thì đáng bị tù đày vì có khác nào giết người đâu, rồi ông trời cho chúng nó vô sinh luôn để khỏi phải chửa với đẻ vì bọn chúng không xứng đáng để làm cha làm mẹ". Có biết bao cặp vợ chồng ngày ngày mong mỏi để có được niềm hạnh phúc ấy. Có khi tốn vài chục triệu đồng cho một lần thụ tinh nhân tạo mà một lần đâu phải đã thành công ngay. Không nuôi được thì thôi gửi vào chùa, trại mồ côi hay cho một gia đình nào đó hiếm muộn, sao nỡ lòng nào vứt con vào thùng rác, vứt ngoài vườn... để rồi con bị chết một cách thảm thê đến thế! Thử hỏi có còn tính người không? Để rồi đây khi đến một thế giới khác, sống một kiếp khác thì các sinh linh ấy sẽ mãi mãi oán hận những người đã sinh thành ra mình. Bản thân những ông bố bà mẹ kia liệu có thanh thản suốt đời không?


Sự việc xảy ra thì trách ai? Trách bản thân các ông bố bà mẹ non trẻ kia thiếu kiến thức hiểu biết, thiếu trách nhiệm với bản thân và máu mủ của mình? Trách gia đình không có sự quản lý chặt chẽ, trách xã hội và một nền giáo dục còn yếu kém? Liệu kiến thức về giáo dục giới tính đã đúng và đủ chưa? Hay các giờ học về giáo dục giới tính còn qua loa hay bản thân thầy cô giáo còn ngại ngùng khi giảng giải về vấn đề nhạy cảm này?


Các bậc phụ huynh có né tránh không khi con cái đến tuổi dậy thì tò mò muốn tìm hiểu sâu? Trong số các em học sinh phổ thông, bao nhiêu em biết các biện pháp phòng tránh thai, hậu quả của việc có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai? Trong số các em đã có kiến thức thì bao nhiêu phần trăm dám đứng lên tuyên truyền và phổ biến cho bạn bè mình? Liệu các bộ ngành và các bậc phụ huynh có nên thay đổi cách đào tạo và giáo dục con cái? Hay chúng ta vẫn mạnh ai nấy làm, tuyên truyền cứ tuyên truyền, tiếp thu kiến thức đến đâu thì không cần quan tâm.


Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm để các sinh linh bé bỏng không phải ra đi một cách đớn đau đến thế nữa. Ngẫm lại bản thân mình, từ khi biết tin có bầu, việc đầu tiên là thông báo tới bố mẹ, gia đình và bạn bè để báo tin vui. Vui chứ phụ nữ sinh ra ông trời đã ban cho thiên chức ấy, vậy chẳng có lý do gì mình lại từ chối niềm hạnh phúc ấy cả.








Những đứa trẻ bị bỏ rơi  - Tin180.com (Ảnh 2)


Một em bé bị thả trôi sông ở Cần Thơ đầu tháng 10. Bác sĩ Nguyễn Văn Tích, trưởng trạm y tế phường Hưng Thạnh, cho biết, khi nhập viện, toàn thân bé lạnh cóng, thân nhiệt hạ thấp, da mặt tái xanh, rốn và nhau vẫn còn dính trên cơ thể. Ảnh: Thanh Phong - VnExpress.


Rồi chín tháng mười ngày qua đi, cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi chính thức bế đứa con bé bỏng trên tay. Lúc bấy giờ mọi mệt mỏi tan biến nhường chỗ cho tình yêu thương máu mủ. Vậy tại sao bao người mẹ lại giũ bỏ quyền làm mẹ thiêng liêng ấy, thậm chí can tâm giết chết núm ruột của mình? Đó là tội ác tày trời.


Liệu chúng ta có nên thay đổi luật pháp để trừng trị những ông bố, bà mẹ vứt bỏ con cái ấy không? Hay hệ thống giáo dục của chúng ta cần sửa đổi? Giáo dục tuyên truyền có cần gần gũi hơn để thế hệ trẻ có thể tiếp thu được và bảo vệ cho chính mình?


Bao câu hỏi đặt ra đang cần có lời giải đáp.


(theo ngoisao)


(Source: Tin180 - Những đứa trẻ bị bỏ rơi - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog - Tiêu điểm )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét