Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

Tuối 18 - Cửa sổ blog - Thế giới blog

Sau một tuần ốm la liệt, tối nay mới dành cho chính mình một buổi tối bình yên với nhạc Giovanni và ly cà phê sữa.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa con bé 18 sẽ không còn 18 nữa. Sẽ là 19. 19, phải lớn hơn một chút. Phải lớn hơn 18. Chợt muốn viết một điều gì đó gửi tặng lại cho tuổi 18 đầy âu lo, hoài nghi và ước mơ.


Nhớ lúc loắt choắt tiểu học, cô giáo ra đề viết về quê hương em. Cấp 1 thì biết gì về quê hương chứ, trong đầu non nớt chỉ nghĩ rằng tổ quốc là cái khu phố em vẫn hay đi rước đèn Trung thu, là bác hàng xóm hay gọi qua chơi rồi cho kẹo, là ba, là mẹ, là ông bà và cái giếng nước mát rượi sau nhà. Là cây dâu tằm ông trồng và những bài thuốc cổ truyền ông tự cắt cho mình uống. Là những con đường đất đỏ mỗi mùa mưa đến nhuộm cả mặt người.


Lúc học lớp 5 hay ngâm nga bài "Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày, quê hương là cầu tre nhỏ, mẹ về nón lá nghiêng che...".


Lớn hơn, khi bắt đầu học về văn học Việt Nam, học bình thơ, bình văn, học "ngấm" những bài Tiểu đội xe không kính, Những ánh sao xa xôi, Cây tre Việt Nam... lại mơ hồ nhận ra quê hương còn có gì đó nhiều hơn, xa hơn, rộng hơn những mảnh vỡ kí ức con con của ta về cái khu phố, về ông, về bà.


Khi đọc Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê, khóc cho Nho khi nhìn cơn mưa đá và thèm khát cái hơi ấm của ngày về, cái lạnh đến rợn xương sống khi những kí ức và khát khao khẽ thổi qua tâm hồn cô trong cái lạnh của cơn mưa cuối mùa... Chợt cảm thấy có một phần "tôi" ở trong ấy, thấy như mình là một phần của cái nỗi đau ấy. Của cái thèm khát ấy. Của cái chịu đựng đến tận cùng ấy. Chịu đựng vì điều gì chứ? Vì tự do. Tự do của quê hương. Quê hương.


Có lần ba tâm sự rằng đôi khi ba buồn vì gia đình chuyển vào Nam sinh sống từ khi mình 2 tuổi, vì vậy hầu như những kí ức về đất tổ ở xứ Nghệ miền Trung là rất nhạt nhòa, nhưng không thể trách các con được. Vô hình chung Biên Hòa là những gì mình hình dung ra rõ nhất, đầu tiên, khi nhắc đến từ quê hương. Bởi vì tất cả những kí ức, những kỉ niệm, những buồn vui, mùi đất, màu nắng, cơn mưa cuối hạ, cái lạnh đầu đông... tất cả, tất cả đều ở cái vùng đất ấy.


Nhưng, có một điều mà ba không biết, đó là mỗi khi về thăm ông bà, thắp hương tổ tiên, và được rải bộ trên những con đường đất ở quê, ngày Tết năm ấy cái lạnh 12 độ C, nhưng mình lại thấy ấm lòng và bình yên đến lạ lẫm. Cái sự bình yên khác với cái nhẹ nhàng mà mình tìm thấy khi đi bộ với lũ bạn thân bờ sông Đồng Nai về đêm.


Tuối 18 - Tin180.com (Ảnh 1)


Cái bình yên khi cùng bác đi chúc Tết các cô bác trong họ, được mọi người mở gia phả ra và chỉ cho xem mình là đời thứ mấy, được ăn món xôi gà bác tộc trưởng tự tay làm, được ngồi bên mâm cơm nghe ông kể chuyện thời chiến... và cái cảm giác đi trên đê vào một buổi chiều tắt nắng, ngắm mấy thằng bé dắt trâu về nhà, nói cái giọng đặc sệt xứ Nghệ... và cái cảm giác được lang thang trên bãi biển Cửa Lò vào một đêm đầy sao, ăn mực nướng, ốc biển, uống nước dừa trái... và cái cảm giác ra Hà Nội sờ đầu rùa, đạp vịt trên Hồ Tây, và ăn bún thịt nướng chị tự tay làm, chả cá Lã Vọng chị chờ 3 tiếng đồng hồ mới mua được... và cái cảm giác đi giữa phố phường Hà Nội chật hẹp, đông đúc, khói bụi, nhà cửa chi chít, nhưng thấy mình như đang ở giữa một cái gì đó thật thân quen. Nhìn thấy một sự ấm áp từ nụ cười bâng quơ của cô bán hàng rong giữa phố, ngỡ như mình đã quen từ lâu.


Mừng thọ 70 của ông, không về dự được, mình đã khóc. Nhìn video quay lại, thấy mọi người tất bật ,tất cả cô dì, chú bác tụ họp hát mừng thọ ông bà, mấy anh chị em họ của mình làm thơ, rồi đọc câu đối, rồi nghe ông bà kể chuyện hồi cải cách ruộng đất. Xung quanh rực một màu mai vàng.


Còn nhớ năm ngoái, lần đầu tiên xa nhà, cái Tết trôi qua trong những lời chúc qua cuộc điện đường dài, trong đầu mường tượng cái bánh chưng chiên chấm nước mắm, với dưa món giòn khụm mẹ muối, miệng cắn chặt giữ lại tiếng nấc.


Lần đầu tiên, giữa cái lạnh xứ người, giữa tuyết trắng, giữa những khối nhà vuông vức của nước Mỹ hiện đại, con bé nhớ da diết cái khu phố nhỏ lụp xụp mà nó vẫn hay rước đèn và cái màu mai vàng rực.
Lần đầu nó thấy lạnh đến thế.
Lần đầu nước mắt nó nóng hổi đến thế.
Lần đầu nó cảm nhận rõ quê hương đến thế.


Tụi bạn tóc vàng vẫn thường hỏi nó về Việt Nam, tụi nó hỏi những câu ngây ngô như, Việt Nam có còn chia cắt hai miền nam bắc không, hỏi người Việt như thế nào, ăn những cái gì...


Tự nhiên con bé cứng họng. Tự nhiên nó thấy hụt hẫng. Ừ, người ta chỉ biết về nước mình qua chiến tranh, qua những thứ thức ăn mà người nước mình ăn và thứ vải người nước mình mặc. Trong khoảnh khắc, con bé ước giá như nó có thể lục sâu tất cả những gì tồn tại trong tâm hồn của nó để định nghĩa cho tụi bạn hiều về Việt Nam, cảm được Việt Nam, thấy được Việt Nam trong trái tim nó thế nào, thì có lẽ đó sẽ là một cuốn phim dài bất tận.


Việt Nam, quê hương nó, trong trái tim nó, là một cảm giác thuộc về trọn vẹn, là một cảm giác bình yên và ấm áp, chứ không phải là những phong cảnh đẹp đơn thuần, những tà áo dài thướt tha, những thứ đồ lưu niệm, những thứ tiền tệ... tất cả những thứ đó chỉ là hữu hình.


Quê hương đối với nó nhiều hơn thế. Quê hương đối với nó chỉ có thể "cảm", chứ không thể sờ.


Ừ, giờ đây nó nói một thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ, nó ăn thứ thức ăn khác không trông từ cây lúa đất Mẹ, nó không mặc áo dài, nó không xài tiền đồng...
Nhưng đố ai có thể cướp đi được quê hương trong tim nó.
Rồi một ngày, nó sẽ quay về nơi nó thuộc về.
Michigan, 5/11/2010.


Việt Hà
(theo ngoisao)


(Source: Tin180 - Tuối 18 - Cửa sổ blog - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét