Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Nơi hội tụ tình yêu thương - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog

Chùa Từ Hạnh nằm trong hẻm 392 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân - TPHCM) là nơi nương tựa của những cụ già neo đơn, những trẻ nhỏ bị bỏ rơi

Chùa Từ Hạnh hiện đang nuôi dưỡng hơn 70 trẻ em và gần 20 cụ già neo đơn. Mỗi người mỗi hoàn cảnh thương tâm với những câu chuyện đẫm nỗi buồn và nước mắt. Ngày ngày, trong tiếng chuông chùa, những trẻ thơ bất hạnh đã lớn lên và được sưởi ấm bằng tình thương; những cụ già được nuôi dưỡng, chăm sóc tận tình.


Nơi hội tụ tình yêu thương - Tin180.com (Ảnh 1)

Các trẻ em được nuôi dạy tại chùa Từ Hạnh


Những mảnh đời bất hạnh


Tiếp chúng tôi, ni sư Như Diệu, trụ trì chùa, cười hiền từ và nói chùa Từ Hạnh như một “mái ấm gia đình”. Chuyện nuôi trẻ bắt đầu vào một đêm mưa cách đây 15 năm, sau khi tụng kinh niệm Phật xong, ni sư nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ ở trước cổng chùa. Chạy ra, ni sư thấy một đứa bé được quấn trong tà áo mỏng. Ôm vội cháu bé vào lòng, ni sư khoác áo mưa ẵm đứa trẻ vào chùa và lấy sữa nóng cho bé uống. Bằng tình thương vô bờ bến, các sư cô ở đây đã nuôi dưỡng em bé. Rồi từ đó, chùa lại tiếp tục nhận đứa bé thứ hai, thứ ba, thứ tư... bị bỏ rơi.


Cũng có hoàn cảnh cá biệt, cả mẹ lẫn con cùng vào chùa để nương náu như chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Bình Thuận. Chị Hoa cùng hai con vào chùa nương náu gần 2 năm qua. Chị kể: Bị chồng đánh đập, chịu không nổi, chị dắt các con vô TPHCM làm thuê kiếm sống. Một mình làm việc, chị không thể nuôi nổi hai con, các con chị phải thất học. Rồi có người chỉ đến chùa Từ Hạnh, thế là chị đến xin sư cô cho ở. Hai con chị được học chữ ở lớp tình thương do chùa mở, chị phụ giúp chùa chăm nom các cháu.


Các cụ già sống ở chùa hầu hết đều neo đơn. Cụ Nguyễn Thị Xuân (75 tuổi) bồi hồi kể lại: “Trước kia, tôi có một gia đình êm ấm, nhưng từ ngày con tôi mất, rồi không lâu sau chồng tôi cũng qua đời, tôi sống một mình, cái nghèo cứ đeo đẳng và vì không còn ai thân thích nên tôi xin tá túc tại chùa”. Cụ Nguyễn Thị Sương (78 tuổi) không có con cái, trước kia cụ lượm phế liệu kiếm tiền sống qua ngày, tối cụ ngủ ở lề đường. Các sư cô biết hoàn cảnh đã đưa cụ về chùa chăm sóc, đến nay đã được gần 7 năm.


Ấm áp tình người


Chăm sóc cho các em nhỏ đòi hỏi phải chịu khó, nhất là khi các bé đau ốm, khóc cả đêm không chịu ngủ, vậy là các ni cô phải thức theo chúng, dỗ dành chúng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của những đứa trẻ khác. Thích nữ Trung Phước tâm sự: “Một mình tôi mỗi đêm phải trông đến 8 bé, có đêm bé đau bệnh phải thức suốt đêm để chăm sóc. Dù khó khăn, vất vả nhưng lo cho các em cũng là hạnh phúc của người tu hành”.


Các sư cô một buổi lo việc phụng sự ở chùa, buổi còn lại dạy cho các em học chữ, học may. Mọi việc chăm sóc các cụ ở đây đều do các sư cô lo liệu từ việc ăn, uống thuốc đến việc vệ sinh. Mỗi khi trái gió trở trời, cụ nào đau yếu, các sư cô mời bác sĩ về tận chùa khám và chữa bệnh.


Ở đây, các em đều được đi học. Tổng kết năm học, nếu em nào học giỏi sẽ được thưởng quà xứng đáng, có khi là một chuyến đi chơi hè cùng các sư cô ở các chùa khác hay được thưởng một chiếc xe đạp mới. Vào kỳ nghỉ hè, các em được học nghề, con trai học sửa điện, con gái thì học nghề làm nhang, may... Mùa nhập học cũng là mùa mà các sư cô lo nhất, bởi chi phí áo quần mới, sách vở, học phí... cho các em không phải là nhỏ. Hiện chùa đã có rất nhiều em đạt học sinh khá, giỏi trong năm học vừa qua. Các sư cô ở chùa tự may quần áo để chuẩn bị cho các em bước vào năm học mới. Thích nữ Trung Phước nói: “Mong muốn của nhà chùa là mong nhà trường miễn giảm học phí cho các em”.


Dù tuổi đã cao nhưng lúc nào ni sư Như Diệu cũng tất bật lo toan mọi việc từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến chuyện học tập của các cháu. Ni sư tâm sự: “Điều quan trọng và luôn canh cánh trong lòng của các sư cô ở đây là làm thế nào để sau này các cháu lớn lên không bị sốc khi biết mình bị cha mẹ bỏ rơi. Chúng tôi đang hướng các cháu thành người có ích cho xã hội, thành những công dân tốt cho đất nước. Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, của mạnh thường quân, của toàn xã hội”.






Ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân, cho biết: “Chùa Từ Hạnh là nơi giúp đỡ những người già cô đơn, cơ nhỡ, những em nhỏ bị bỏ rơi. Hưởng ứng việc thiện của chùa, địa phương thường xuyên vận động, giúp đỡ và kêu gọi các mạnh thường quân tài trợ cho chùa ”.


Bài và ảnh: XUÂN DANH
(theo nld)


(Source: Tin180 - Nơi hội tụ tình yêu thương - Bạn đọc làm báo - Thế giới blog )



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét