Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Mùa nhớ - Cửa sổ blog - Thế giới blog


’Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc...’


Lê Ánh Hồng Hải


Mấy câu văn của ông Thanh Tịnh hay lắm. Vì hay lắm nên mới trở thành bất hủ, mới được đưa vào sách giáo khoa. Nhưng cái thời ấy, cái thời cô giáo bắt đứng lên trước lớp đọc thật diễn cảm Tôi đi học, chẳng thấy chút hay ho nào vì chưa thấy, chưa tin.


Nơi tôi sống, mùa thu không bao giờ đến, lá vàng chẳng có để rơi và mây cũng chẳng bao giờ bàng bạc. Nơi ấy, cái mùa theo lẽ là mùa thu, tôi chỉ có mưa trắng trời và mây xám sầm.


Không đẹp như thơ văn nhưng đó là mùa ấu thơ tôi yêu nhất. Mùa này trời mát, người mát và lòng cũng mát. Những cơn mưa dầm dề cũng cuốn những khát khao, thương nhớ, đợi chờ một ai đó về xa mù. Mùa này lòng chỉ thấy rộn rã.


Rộn rã vì có nhiều vui thú với mưa. Những con cá sặc dưới mương nước đang chờ cái lờ, những con cá rô mề trên thềm nhà đang chờ cái thùng thiếc, những con cá lóc ngoài ruộng đang chờ cây chỉa. Chần chừ gì mà không vác đồ nghề ra? Sau một buổi chiều, chiến lợi phẩm là nửa thùng cá đủ loại. Hân hoan băng dưới mưa mang về khoe:
- Bà nội ơi, nhiêu đây là khỏi đi chợ ba ngày đó nghe.
Nhìn thằng cháu đầy bùn đất từ đầu đến chân, bà kêu:
- Trời, ai sai mầy vậy con, mưa gió như vầy? La thì la vậy nhưng chắc lòng bà cũng vui vì ngày mai, nhà này không phải ăn khô nữa, cả tuần khô rồi còn gì.


Chiều đó, bữa cơm thịnh soạn hơn.
Nhưng mùa này, lòng còn hân hoan vì một lẽ khác. Mùa này không chỉ có cá, mùa này còn có... trung thu.


Mùa nhớ - Tin180.com (Ảnh 1)


Lại một cơ hội kiếm sống đây.
Những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, chất liệu và kiểu dáng thường được thằng nhỏ hoàn thành sau những buổi tan trường. Dù không sắc sảo lắm nhưng đó là hàng độc, thậm chí nó có thể làm theo... đơn đặt hàng. Tất nhiên, những tác phẩm đó sẽ có giá cao hơn.


Khách hàng tiềm năng là những đứa con nít nhỏ hơn ở cùng xóm. Vì sao không bán cho những đứa lớn hơn ư? Vì có bán chúng cũng... không thèm mua, chúng già rồi, khó dụ dỗ quá.


Song song với việc làm những chiếc lồng đèn là làm cái ná thun. Tuy nhỏ nhưng sống cũng có tình, đợi cho khách hàng sử dụng và an tâm với chất lượng sản phẩm trong khoảng hai, ba ngày, nhà cung cấp mang ná thun ra, núp vào lùm cây. Bụp! Phần giấy bóng kiếng sẽ vỡ ngay tức thì. Biết làm sao bây giờ, lũ trẻ mếu máo mang đến nhà sản xuất.
- Cái này hổng có bảo hành đâu nghe mấy cưng, chỉ có bảo trì thôi, mà bảo trì phải mất thêm tiền đó.
Những mùa Trung thu ấy, tôi không có thời gian thắp nến xách lồng đèn. Nhưng bù lại, kiếm được một khoản kha khá. Chia cho hai chị một ít, phần còn lại vác ra nhà sách, mang về những sách và những màu.
Trong cái khó, ló cái khôn. Và trong cái quá khó, ló cái... dễ sợ.
- Thằng này lớn lên, chắc làm ăn giỏi.
- Hổng có đâu, con làm ăn để kiếm tiền làm....họa sĩ.
Nói về chuyện làm ăn phải còn dài lắm nhưng quyết định mùa nào nói chuyện ấy đi.


Nhớ nghề quá, chiều nay chắc phải làm cái ná thun.
Nhưng thôi đi, ở cái thành phố chật chội này, lũ trẻ chỉ xách toàn lồng đèn điện tử.
Nhìn chúng, sao bỗng nhiên tôi thấy những mùa trăng và ấu thơ bây giờ... nghèo quá.


(theo ngoisao)


(Source: Tin180 - Mùa nhớ - Cửa sổ blog - Thế giới blog )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét